Ông Julien Brun- Tổng giám đốc CEL Consulting (Tư vấn, nghiên cứu chuỗi cung ứng) cho biết, tại Việt Nam, vận tải đường bộ chiếm khoảng 65% tổng phương thức vận tải; vận tải đường thủy nội địa chiếm 30,8%, chủ yếu ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long; vận tải đường sắt chỉ có 1 nhà cung cấp, hoạt động không ổn định và yêu cầu nhiều sự chuyển đổi (xe – xe lửa – xe).
Trong những năm gần đây, sự phát triển nhanh chóng của khâu hậu cần, vận tải dẫn đến một xu hướng tất yếu là số lượng phương tiện tăng ồ ạt trong khi tốc độ cải thiện cơ sở hạ tầng vẫn chưa theo kịp; cộng với sự thiếu thận trọng trong đầu tư, cung cấp dịch vụ khiến cho hàng loạt vấn đề xảy ra trên thị trường vận tải như cạnh tranh không lành mạnh, chất lượng vận tải kém…
Ngoài ra, theo tính toán của CEL Consulting, việc kém hiệu quả và lãng phí trong khâu vận tải vẫn còn quá lớn. Tiêu biểu, đối với khu vực Hồ Chí Minh, 1 tấn hàng bán ra trung bình được bốc dỡ 10 lần, cộng thêm thời gian di chuyển của một chiếc xe tải chỉ chiếm 7% tổng thời gian hành trình, còn lại là đứng yên hoặc trong tình trạng chờ giao thông. Hơn nữa, còn nhiều các khoản phụ phí đi kèm như phí cầu đường chiếm 10-20%, các chi phí dịch vụ cảng biển như phí CFS (hàng lẻ), phí lưu kho bãi, lưu container, phí nâng hạ container, phí điều hành bến bãi, phí vệ sinh container, phí đại lý… Tất cả khiến chi phí vận tải trở thành một gánh nặng đối với DN. Theo tính toán nếu cải thiện được những vấn đề này thì DN có thể hạ giá thành vận chuyển ít nhất là 30%.
Cũng theo ông Julien Brun, các nguyên nhân khách quan nằm ngoài tầm kiểm soát của DN không thể khắc phục một sớm một chiều mà cần trông chờ vào sự phát triển đồng bộ của cả hệ thống logistics quốc gia.
Trước mắt, để giảm chi phí vận chuyển, các DN cần tăng cường khả năng quản lý chi phí vận chuyển dựa trên các nguyên nhân chủ quan như chọn phương án vận chuyển trực tiếp trong điều kiện có thể để giảm các chi phí trong hành trình. Thực hiện thuê ngoài vận chuyển cũng là một tất yếu trong xu hướng chuyên môn hóa chuỗi cung ứng. Khi sử dụng dịch vụ vận tải bên ngoài, cần quy định rõ điều kiện giá dịch vụ trong hợp đồng vận chuyển, trong điều kiện hiện nay nên chọn phương pháp giá linh hoạt.
Để tránh tình trạng bị các hãng vận chuyển đơn phương áp đặt các điều kiện không có lợi cho mình, các DN nên tham gia vào các hiệp hội ngành hàng. Các hiệp hội này sẽ đại diện toàn bộ thành viên để đàm phán trực tiếp các hợp đồng vận chuyển với các hãng tàu, và các thành viên có thể sử dụng các hợp đồng này để có thể hưởng được mức giá vận chuyển tốt.
Ngoài ra, các DN nên tham gia vào các sàn giao dịch vận tải. Gần đây các sàn giao dịch thông tin vận chuyển hay sàn giao dịch vận tải bước đầu triển khai tại Việt Nam. Đây là một giải pháp công nghệ thông tin tiên tiến giúp các DN quản lý và điều hành mọi hoạt động kinh doanh vận tải hàng hóa với nhiều lợi ích như: kết nối mạng lưới vận tải, giảm đầu tư cho thiết bị máy móc, giảm chi phí nhân lực điều hành, nâng cao hiệu suất vận tải…